CHUYỂN ĐỔI SỐ CHUYỂN ĐỔI SỐ

MỘT SỐ HÌNH THỨC LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN PHỔ BIẾN
Publish date 23/10/2024 | 09:46  | Lượt xem: 100

Trong tháng qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an quận Hai Bà Trưng nhận định được 04 phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến thường được các đối tượng sử dụng để khiến người dân “sập bẫy” lừa đảo trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, khuyến cáo người dân nhận biết và chủ động phòng ngừa như sau:

1. Hình thứ thứ nhất: Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án lừa đảo.

- Phương thức thủ đoạn:

Đối tượng thông báo bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, rồi nối máy đến đối tượng khác giả danh người của cơ quan tư pháp để khai thác thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại hoặc đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bắt tạm giam.

* Công an quận Hai Bà Trưng khuyến cáo:

- Không chuyển tiền theo yêu cầu của người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.

- Không làm việc qua mạng hoặc qua điện thoại với những người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Chỉ làm việc khi có giấy mời, giấy triệu tập làm việc tại các trụ sở cơ quan.

- Trường hợp nghi ngờ có hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý theo quy định.

2. Hình thức thứ hai: Hách tài khoản mạng xã hội, giả danh người thân vay tiền rồi chiếm đoạt

- Phương thức thủ đoạn:

Đối tượng hách tài khoản mạng xã hội của người dùng và nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách của chủ tài khoản mạng xã hội liên lạc hỏi vay tiền, hoặc nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội.

- Xác nhận lại với người thân, bạn bè bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp ngay sau khi nhận được yêu cầu vay, mượn tiền….

- Không đồng  ý kết bạn trên zalo, faceook với những người mà mình đã có kết bạn từ trước.

- Khi phát hiện các trường hợp tương tự, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hưỡng dẫn, xử lý theo quy định.

3. Hình thức thứ ba: lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online

- Phương thức thủ đoạn:

- Đối tượng thông qua các hội, nhóm, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… giả mạo là nhân viên của các trang  thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

- Lúc đầu các đối tượng trả tiền hoa hồng nên người bị hại tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng nhưng sau đó những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để dẫn dụ và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Khi có nhu cầu tìm việc làm online, cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là các thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao, cộng tác viên đánh giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, công việc yêu cầu ứng tiền trước để làm nhiệm vụ…

- Tuyệt đối không chuyển tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ, công việc tìm kiếm qua mạng khi chưa xác thực chính xác danh tính của công ty chủ quản. Liên hệ đến công ty chính thống để xác thực thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên.

- Khi phát hiện các trường hợp tương tự, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hưỡng dẫn, xử lý theo quy định.

4. Hình thức thứ tư: Lừa đảo dịch vụ viễn thông (sim, thẻ ngân hàng)

- Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao đe dọa khóa sim điện thoại do chủ thuê bao chưa “ chuẩn hóa thông tin” hoặc lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường link do chúng cung cấp, đề nghị chủ thuê bao phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… Nếu không làm theo, SIM của chủ thuê bao sẽ bị khóa.

- Khi chủ thuê bao làm theo yêu cầu của đối tượng thì thông tin của số thuê bao được chuyển sang SIM mới của đối tượng. Trong thời gian chiếm quyền kiểm soát SIM, đối tượng bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản của chủ thuê bao nhất là tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

* Công an quận Hai Bà Trưng KHUYẾN CÁO

- Không bấm vào đường link lạ; không thực hiện theo yêu cầu của các tin nhắn lạ. Không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai.

- Liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng viễn thông tìm hiểu thông tin về mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

- Khi phát hiện các trường hợp tương tự, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hưỡng dẫn, xử lý theo quy định.

Công an quận Hai Bà Trưng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và công dân trên địa bàn đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình.

Xin trân trọng cảm ơn!